Không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn đã học, nhiều cử nhân phải giấu bằng đại học, quay trở lại học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông.
- Xem thêm điểm thi tốt nghiệp thpt 2015 tại đây!
LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Hôm nay, thầy bàn đến một vấn đề rất nóng bỏng, đó là tình trạng cử nhân ra trường thât nghiệp.
Chuyện tuy không mới, nhưng càng lúc càng trở thành vấn về bức bối của toàn xã hội.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Bộ LĐTB&XH ra mắt bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014, trong đó có công bố, năm 2013, cả nước có tới hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012. Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những người có trình độ chuyên môn.
Trong đó, thanh niên từ 20 – 24 tuổi tốt nghiệp CĐ – ĐH trở lên thất nghiệp tới 20,75%. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 2,7 triệu thanh niên, trong đó khoảng 1,6 triệu người trẻ tham gia hoạt động kinh tế tại khu công nghiệp, hơn 600.000 còn lại làm việc tại các làng nghề, nông nghiệp, kinh doanh tự do và một lượng không nhỏ hiện nay chưa tìm được việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2014 là 4,5%. Toàn thành phố đến năm 2014 chỉ có 35.869 học sinh học nghề hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), một con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường đang tổ chức đào tạo ở 80 ngành nghề trình độ TCCN, tuy nhiên có nhiều ngành không tuyển được học sinh nào.
Có thực tế đáng buồn, nhiều cử nhân hiện nay ra trường không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn, ngành nghề mình đã học, phải giấu bằng đại học, quay trở lại học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông…
- Xem thêm tin mới nhất về điểm thi 2015 tại đây!
Mới đây trong bản Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại phiên giải trình của Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua về việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên (SV) tốt nghiệp đưa ra con số biết nói: Lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%. 3 năm tăng nửa triệu sinh viên. Trong 4 năm, số lượng cử nhân thất nghiệp tăng hơn gấp đôi.
Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? Công tác phân luồng, hướng nghiệp ở bậc phổ thông vẫn không có hiệu quả. Việc dạy nghề đang tồn tại ở loại hình trường nghề với hai cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH) dẫn đến nhiều bất cập.
Phần lớn học sinh đổ xô học lên bậc THPT, học đại học, cao đẳng; không mấy mặn mà với việc học nghề, vào các trường trung cấp nghề.
Các trường đào tạo nghề đã, đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh. Hơn nữa, những năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa. Hình thức, qui mô, số lượng, chỉ tiêu đào tạo cũng không ngừng gia tăng và có sự cạnh tranh với nhau để thu hút học sinh vào học trường mình.
Sau một thời gian mở rộng, tăng nhanh về quy mô, số lượng, chỉ tiêu đào tạo, không tính tới nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của xã hội; đến nay số lượng sinh viên ở một số nhóm ngành nghề như sư phạm, kế toán, kinh tế, ngân hàng…tốt nghiệp ra trường đã có dấu hiệu dư thừa, không xin được việc làm khá nhiều.
Mặt khác, công tác quy hoạch, dự báo, quản lý nguồn nhân lực của Nhà nước còn lỏng lẽo, bất cập, thiếu tầm chiến lược, ít có sự gắn kết và trách nhiệm với nhau, thậm chí có tình trạng mạnh ai nấy làm.
Kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản; qui mô sản xuất của nền kinh tế đất nước còn nhỏ bé; cộng với tâm lý ăn sâu của người Việt: trọng bằng cấp, cố gắng làm “thầy”, làm cán bộ để có thu nhập ổn định hơn, đấy cũng là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn nhân lực, thất nghiệp nhiều như hiện nay.
Mặc dù, trong kỳ họp quốc hội 10 năm trở về trước, có vị đại biểu quốc hội từng cảnh báo tình trạng đào tạo đại học, cao đẳng ồ ạt, thiếu kiểm soát, định hướng, tình trạng “thừa thầy”, “thiếu thợ” khá nghiêm trọng ở nước ta.
Vậy nhưng tình trạng ấy chẳng có mấy ai, bộ ngành nào có những động thái, việc làm cụ thể để định hướng, chấn chỉnh.
Vài năm tới đây, vấn đề này còn bức xúc, khó khăn hơn nữa. Nó trở thành áp lực, gánh nặng đối với xã hội chúng ta.
Giải được bài toán dư thừa, thất nghiệp, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, sớm đưa ra những giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt và phù hợp.
Công tác phân luồng, hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông phải được tổ chức bài bản, có tính chuyên nghiệp. Từng trường bậc THCS, THPT phải có cán bộ, giáo viên chuyên trách về tư vấn định hướng nghề hẳn hoi (Lâu nay chỉ toàn kiêm nhiệm, làm hình thức, đối phó với cấp trên).
Đẩy mạnh, thường xuyên và đa dạng hình thức tuyên truyền trong học sinh, thanh niên, trên cơ sở phân tích, đánh giá, cung cấp những số liệu, thông tin, hoạch định đáng tin cậy của cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần thay đổi căn bản nhận thức của người học, phụ huynh về việc học nghề, làm thợ.
Mấy năm qua, công tác tư vấn, thông tin về ngành nghề, quy mô đào tạo…diễn ra khá phong phú, rầm rộ trên các phương tiện truyền thông; các trường ĐH,CĐ, TCCN cử đại diện về trường phổ thông giới thiệu trực tiếp…nhưng lại phiến diện, nghiêng hẳn về quảng cáo, PR cho ngành, cho trường mình nhiều hơn. Do đó, độ tin cậy, khách quan của thông tin không cao.
Không nên để việc dạy nghề ở các trường nghề do 2 Bộ quản lý, thực tế tồn tại xưa nay dẫn đến sự phân tán của hệ thống đã hạn chế sự phát triển, không tập trung được sức mạnh các nguồn lực xã hội, nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng nhân lực.
Theo chúng tôi, cần thống nhất giao cho một đơn vị quản lý hệ thống giáo dục dạy nghề, giao hẳn cho Bộ GD-ĐT quản lý là phù hợp nhất, đảm bảo được sự thống nhất trong đào tạo cũng như sự liên thông giữa các cấp học.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư tốt hơn nữa cho các cơ sở đào tạo nghề từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Để những nơi ấy có đủ năng lực, điều kiện đào tạo đảm bảo chất lượng, thực sự tạo được chữ tín, niềm tin, sức thu hút, thuyết phục học sinh, thanh niên tới học nghề (nhiều trường nghề, cơ sở nghề bây giờ èo uột, thảm hại mọi phương tiện, người học, phụ huynh dạo quanh lần đầu đã thấy nản, chẳng còn màng tới chuyện học).
Đồng thời, Nhà nước, các địa phương cần xây dựng chính sách phù hợp trong việc sử dụng, tuyển dụng nhân sự tương ứng với yêu cầu công việc để tạo cơ hội việc làm cho học sinh học nghề.
Mặt khác, các trường đào tạo nghề cũng cần có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hiệu quả trong việc tìm đầu ra cho học viên, luôn cập nhật, gắn kết với thực tiễn, yêu cầu ngành nghề của xã hội, doanh nghiệp…
Không ngừng đa dạng hóa các loại ngành nghề, hình thức đào tạo để đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của người học và cuộc sống, công việc mới đặt ra.
Bản thân người học nghề cần hình thành cho mình một tâm thế tích cực, chủ động trong mọi cơ hội tìm kiếm việc làm, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ quá nhiều vào Nhà nước, đối tượng khác.
Có chế độ, đãi ngộ, lương thưởng thỏa đáng hơn cho lực lượng công nhân, thợ lành nghề. Kiểm soát, hạn chế tuyển sinh và đào tạo cử nhân, thạc sĩ ở các trường đại học. Trường Đại học nào không đáp ứng được quy chuẩn thì giải thể hoặc sáp nhập.
Hợp tác, mở rộng, tăng cường xuất khẩu lao động sang các nước đối tác, có nhu cầu lớn về lao động. Tạo điều kiện, hỗ trợ về nguồn vốn để các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất, thu hút lao động. Xúc tiến, đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu sang các nước.
Mặt khác, nước ta được xem là quốc gia biển, có bờ biển dài 3200 km và diện tích biển lớn. Nguồn lợi từ biển còn rất lớn, trong khi đó lực lượng ngư dân, tàu bè của chúng ta còn khá mỏng.
Tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào lợi thế này. Có chính sách thu hút, đầu tư về nhân lực và vật lực để hình thành các làng chài mới ở ven biển, có những đội tàu lớn vươn ra khơi xa, vừa giải quyết được nhiều lao động dư thừa hiện nay vừa bảo vệ, giữ gìn tốt hơn chủ quyền biển đảo của ta.
Lĩnh vực du lịch ta cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế, có nhiều chỗ nghỉ dưỡng lý tưởng, danh lam thắng cảnh đẹp tầm cỡ thế giới.
Tuy nhiên cách làm, cách quản lý của chúng ta vẫn chưa tốt, nhiều du khách nước ngoài một lần đến và không bao giờ quay trở lại. Nếu được đầu tư, chất lượng dịch vụ tốt thì lĩnh vực du lịch cũng góp phần giải quyết được tình trạng dư thừa, thất nghiệp trong thời gian tới.
Theo phu nu net